Bạn hi vọng và trong chờ từ những người đồng đội có lối tư duy tiên tiến, sẽ giúp bạn và hỗ trợ công ty cũng như cũng bạn vượt qua những khó khăn trong tuyển dụng. Bạn cho rằng việc tuyển dụng nhân tài sẽ chẳng tốn nhiều thời gian đâu. Và chỉ trong vòng vài tuần hay một tháng, quy trình tuyển dụng hoàn thành. Bạn cho rằng như vậy là đã xong? Nhưng thực tế không phải là như vậy!
Frank Roessler – nhà sáng lập Ashcroft Capital chia sẻ về kinh nghiệm của ông về vấn đề này.
Vào những ngày đầu thành lập Ashcroft Capital, tôi và nhóm thành lập của mình đã dành ra nhiều tháng liền cho việc thanh lọc lại quy trình tuyển dụng. Trên tường và bàn làm việc của chúng tôi chỉ toàn là những bộ hồ sơ xin việc. Chúng tôi đã nhận được hàng ngàn bản sơ yếu lí lịch, thực hiện hàng trăm các cuộc gọi phỏng vấn, hàng chục buổi sàng lọc ứng viên, và cuối cùng là chọn ra được chỉ một vài ứng viên có-vẻ-như-là đủ năng lực nhất. Đó cứ như là một cuộc đua marathon vậy. Và trước khi có thể chạy được tới đích, thì chúng tôi đã như muốn cạn kiệt hết sức lực rồi. Cuối cùng, phải mất đến sáu tháng ròng rã, chúng tôi mới tuyển được bốn ứng viên ưng ý nhất về đội của mình.
Nào, có lẽ bạn nghĩ chúng tôi đang hơi “làm lố” hay quá khắt khe khi tuyển dụng nhân sự, và rằng chúng tôi đang đi ngược lại với cái gọi là “hoàn thành tốt hơn là hoàn hảo” – một lối tư duy đang lan tràn khắp các công ty khởi nghiệp và viễn cảnh công nghệ tại thung lũng Sillicon này. Nhưng nhìn xem, nếu bạn đang xây dựng doanh nghiệp và cần nhân lực, vậy việc chờ đợi để tìm được người “hoàn hảo” thì có tốt hơn là tìm được người có năng lực ở mức vừa đủ hay không? Liệu những nỗ lực bạn bỏ ra để tuyển dụng có thật sự quan trọng khi công ty của bạn còn quá nhỏ bé và mới mẻ hay không? Tôi phải trả lời rằng, là có đấy!
Mỗi cá nhân mà bạn tuyển dụng chính là một viên gạch để tạo nên một nền tảng thành công của công ty bạn trong tương lai. Nếu bạn chọn phải một “viên gạch nứt”, hoặc không chắc là mình có tuyển dụng đúng người phù hợp hay không – thì bạn khó có thể xây dựng được gì thêm cho nền tảng ấy nữa. Hãy nghĩ về tầm quan trọng mà kinh nghiệm của nhân viên đối với hiệu suất của công ty. Nếu một ứng viên không hề có kỹ năng hay chưa trang bị đủ kiến thức trong ngành, thì họ sẽ chẳng tạo ra được năng suất nào khả quan cho công ty cả.
Những phẩm chất khiến ứng cử viên nổi bật không phải lúc nào cũng được phản ánh trong hồ sơ xin việc. Một người dù có 10 năm kinh nghiệm nhưng thái độ của họ lại không tốt thì sẽ chẳng đem lại lợi ích gì cho công ty so với một người chăm chỉ những có ít năm kinh nghiệm hơn. Theo một nghiên cứu từ Trường Kinh doanh Kelley (thuộc Trường Đại học Indiana, Hoa Kỳ) vào năm 2012, một nhân viên với biểu hiện công việc tốt có thể đạt được hơn 40% năng suất so với một nhân viên trung bình. Ngược lại, một vài cuộc khảo sát khác cũng cho thấy rằng, nhân viên với biểu hiện làm việc thấp có thể làm giảm tinh thần chung của đồng nghiệp, đồng thời tạo ra một tiền lệ đại loại như “văn hóa công ty này chấp nhận những người bình thường vào làm việc”. Hay tệ hơn thế nữa, chính là những hậu quả sau tuyển dụng mà đa phần công ty nào cũng đều muốn né tránh.
Theo kết quả từ Eagle Hill Consulting, các chủ doanh nghiệp dành ra 75% thời gian làm việc với nhân viên có biểu hiện công việc trung bình hoặc thấp. Và 60% các nhà lãnh đạo công ty cho rằng nếu có cơ hội, họ mong muốn được tuyển dụng lại hầu hết những nhân viên hiện đang công tác tại công ty mình. Sự trái ngược, văn hóa thiếu đoàn kết và năng lực lỏng lẻo được thể hiện qua các thống kê như trên đã gây ra nhiều phiền toái cho doanh nghiệp; đồng thời góp phần củng cố lí do tại sao việc lựa chọn kĩ lưỡng trong khâu tuyển dụng mang lại nhiều hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, việc tuyển dụng sẽ càng phức tạp hơn nếu nhà sáng lập doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề gọi là “phù hợp văn hóa”. Nói chung, phù hợp văn hóa là khi một cá nhân tiềm năng nào đó có thể thích ứng được với cốt lõi giá trị, thái độ và hành vi ứng xử mà công ty hướng đến. Điều này thoạt đầu nghe có vẻ không nghiêm trọng, nhưng về lâu về dài nó có thể đem lại rất nhiều ích lợi đấy. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, những nhân viên xây dựng được tấm gương tốt với văn hóa công ty dưới sự chứng kiến của đồng nghiệp, người giám sát hay tổ chức – chính là những người có sự hài lòng với công việc cao, gắn bó với tổ chức lâu hơn, và có biểu hiện trong công việc tốt hơn.
Lưu ý rằng, một ứng cử viên hoàn hảo phải hội tụ được ba yếu tố: bề dày kinh nghiệm, chăm chỉ, và phù hợp với văn hóa doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tìm được một ai có đủ ba phẩm chất như trên thì không hề dễ dàng. Một ứng viên nếu chỉ có một hoặc thậm chí hai yếu tố trên, thì doanh nghiệp cũng sẽ không được lợi ích nhiều so với ứng viên hội tủ cả ba yếu tố. Ví dụ, nếu bạn tuyển dụng một người có kinh nghiệm và chăm chỉ nhưng không phù hợp với văn hóa công ty, thì họ sẽ không thể phối hợp nhịp nhàng được với các thành viên trong một nhóm. Mặt khác, nếu bạn tuyển dụng một người phù hợp với văn hóa công ty nhưng chưa có đủ kinh nghiệm, thì họ sẽ khó mà đáp ứng được các mục tiêu đặt ra. Cả ba phẩm chất trên đều quan trọng ngang nhau, nếu thiếu đi dù chỉ là một yếu tố thì sẽ ảnh hưởng đến không chỉ biểu hiện làm việc của nhân viên, mà còn đến sự phát triển và lớn mạnh của cả tổ chức.
Và vì thế, đúng là chúng tôi mất sáu tháng chỉ để tuyển được bốn người, nhưng công sức bỏ ra thì hoàn toàn xứng đáng. Sự sàng lọc và lựa chọn kĩ lưỡng đã giúp chúng tôi mang về được những nhân tài “đỉnh của đỉnh”. Những nhân tài này được tìm thấy không phải ở các trụ sở giáo dục chính thống, và chúng tôi cho họ cơ hội để thể hiện năng lực của mình thông qua những gì mà họ đã học hỏi được từ đó. Phép toán của chúng tôi đã đem lại hiệu quả, công ty chúng tôi lớn mạnh hơn, và điều quan trọng nhất, là tôi đã dám bước chân ra khỏi những gì thông thường nhất để tìm kiếm những gì to lớn hơn ngoài kia.
Vậy thông điệp tôi muốn đưa ra ở đây là gì? Hãy ưu tiên những quy trình tuyển dụng nào có ý nghĩa nhất. Dưới đây là một vài tip giúp bạn tìm được nhân tố phù hợp nhất cho mình:
THÀNH LẬP BỘ PHẬN NHÂN SỰ
Là một nhà sáng lập doanh nghiệp, tôi tin rằng bạn có khả năng xoay xở hết mọi thứ, cho dù công ty của bạn chỉ mới “chập chững” trên thị trường. Tuy nhiên, những nỗ lực dành cho việc tuyển dụng có thể tiêu tốn rất nhiều thời gian; trong một vài trường hợp, bạn sẽ phải hi sinh cả ngày làm việc của mình cho việc đó. Không cần biết công ty của bạn lớn nhỏ ra sao, thứ bạn cần chính là một bộ phận nhân sự – hay theo ngôn ngữ của giới kinh doanh gần đây – thì đó là bộ phận chuyên “quản lý con người”. Bộ phận nhân sự có thể phối hợp với các nhà tuyển dụng, nhằm liên lạc trực tiếp với những ứng cử viên tiềm năng nhất, giải quyết tốt quy trình sàng lọc kiểm tra đầu vào, và đảm bảo rằng bạn có thể chiêu mộ được những nhân viên tài năng mà không cần phải đích thân làm cùng một lúc nhiều việc.
MỞ RỘNG PHẠM VI TÌM KIẾM, NHƯNG THU HẸP LẠI LĨNH VỰC NGÀNH NGHỀ
Bạn sẽ không thể nào tìm được tất cả các ứng viên chỉ trong khu vực của mình. Khi bắt đầu tuyển dụng nhân sự cho Ashcroft, chúng tôi đã đăng quảng cáo trên LinkedIn và các trang mạng chuyên ngành khác nhằm tìm được các ứng cử viên trên toàn nước. Tuy nhiên, chúng tôi đã giới hạn phạm vi với phần mô tả công việc chi tiết hơn. Kết quả là, có rất nhiều ứng viên tìm thấy vị trí đăng tuyển, nhưng chỉ những ai đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của chúng tôi mới có thể nộp đơn xin việc.
CUNG ỨNG NGUỒN TÀI NGUYÊN PHÙ HỢP
Tuyển dụng nhân tài đòi hỏi nhiều thời gian và tiền bạc. Chúng tôi phân phối tài nguyên vào các hình thức quảng cáo đăng tuyển và phí cho nhà tuyển dụng – và dành ra vô số thời giờ để chăm chú nghiềm ngẫm hàng ngàn lá đơn xin việc. Quá trình này có thể mất đến hàng tháng trời, và còn gây ra xao nhãng trở cho công việc hàng ngày của chúng tôi nữa. Về mặt ngắn hạn, thời gian và tiền bạc chúng tôi đầu tư có thể rất tốn kém. Nhưng về lâu dài, nhờ vào việc tuyển dụng đúng người, chúng tôi có thể lấy lại những gì đã mất lên đến gấp mười lần đấy!
Không phải ứng viên nào cũng đều mang lại giá trị như nhau. Hãy dành thời gian và tìm kiếm những ai giúp cho doanh nghiệp của bạn cất cánh trên bước đường thành công. Bởi vì sau cùng, tại sao lại hài lòng với những người tầm thường, trong khi bạn có thể vươn đến những tầm cao mới hơn thế nữa, phải không nào?
— HR Insider/Theo Entrepreneur —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.