adsads
Lượt Xem 10 K

Nhằm mang đến cho người lao động và doanh nghiệp góc nhìn thực tiễn về tình hình thị trường tuyển dụng tại Việt Nam trong bối cảnh thị trường còn nhiều khó khăn, cùng các cơ hội và thách thức, Navigos Group thực hiện và công bố Báo cáo lương chi tiết 23 ngành hàng và Thị trường Lao động 2024, dựa trên ý kiến của hơn 4.000 ứng viên đang làm việc tại Việt Nam, và hơn 550 doanh nghiệp đa dạng quốc tịch như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam, đưa ra các xu hướng làm việc & kỹ năng cần thiết cũng như nhận định và lời khuyên từ chuyên gia nhân sự cho 2 nhóm đối tượng chính là người lao động và doanh nghiệp.

Báo cáo Lương và Thị trường lao động 2024 của Navigos Group sẽ là hành trang thực tế và đánh tin cậy giúp doanh nghiệp và người lao động vững bước tiến trong hành trình sự nghiệp sắp tới, với các thông tin được thu thập qua khảo sát công khai, bám sát bối cảnh thị trường tại Việt Nam. Xem chi tiết Báo cáo Lương và Thị trường lao động năm 2024 – Talent Guide 2024 tại đây:

Nội Dung Bài Viết

PHẦN 1: TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG NĂM 2023

Tình hình thị trường lao động 2023 vẫn còn nhiều thách thức: nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới bị sa thải và 82.2% doanh nghiệp tại Việt Nam bị ảnh hưởng.

Thị trường lao động thế giới

Các cú sốc và rủi ro toàn cầu như: điều kiện tài chính toàn cầu bị thắt chặt; sự sụt giảm sức mua; xung đột chính trị; lạm phát, giá cả tăng cao,.v.v. làm cho tổng cầu hàng hóa trên thế giới sụt giảm, nhu cầu nhập khẩu cũng bị suy giảm, dẫn tới các doanh nghiệp trong nước bị cắt giảm đơn hàng, việc sản xuất gặp khó khăn, từ đó khiến cho thị trường tuyển dụng đối mặt với nhiều thách thức.

Để ứng phó với những biến động trên, các doanh nghiệp đã cắt giảm gần nửa triệu nhân viên trên khắp thế giới, ở đa dạng các lĩnh vực. Trong đó, ngành công nghệ được ghi nhận có tỉ lệ sa thải nhiều nhất, chiếm khoảng 1/3 tổng số nhân sự bị cắt giảm trên toàn cầu.

Việc tuyển dụng tại các doanh nghiệp cũng tiếp tục chậm lại trên toàn thế giới, và thay vào đó sự luân chuyển nội bộ có xu hướng tăng lên ở một số ngành công nghiệp (thông qua việc thăng chức hoặc điều chuyển nội bộ). Singapore, Canada, và Ấn Độ là 3 quốc gia ghi nhận sự sụt giảm trong tuyển dụng cao nhất, lên đến hơn 40%.

Kinh tế Việt Nam đang tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Thị trường lao động Việt Nam

Không nằm ngoài biến động chung của thị trường tuyển dụng trên thế giới, tình hình lao động tại Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi có đến 82% doanh nghiệp tham gia khảo sát cho biết bị ảnh hưởng, kéo theo đó là hơn 68% doanh nghiệp chọn cắt giảm nhân sự để ứng phó với giai đoạn đầy thách thức này.

Xem thêm >> Bí quyết deal lương khéo léo giúp bạn có được thu nhập như mong muốn

PHẦN 2: THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG TẠI VIỆT NAM NĂM 2023

Thực trạng doanh nghiệp trên thị trường

Doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới

82% doanh nghiệp tại Việt Nam tham gia khảo sát bị ảnh hưởng từ biến động kinh tế thế giới.

Theo kết quả khảo sát, có đến 454/ 555 doanh nghiệp trả lời có bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường trong năm 2023, chiếm 82.2%. Các doanh nghiệp bị ảnh hưởng này trải dài trong nhiều ngành hàng, với mức độ bị ảnh hưởng khác nhau, có thể kể đến như: Ngân hàng, Vận tải/ Giao nhận/ Chuỗi cung ứng, Sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản, Tự động hóa/ Ô tô, Xây dựng/ Bất động sản, Thực phẩm và đồ uống/ Ngành hàng tiêu dùng nhanh, Thiết bị điện tử, Thương mại điện tử/ Dịch vụ trực tuyến và Công nghệ tài chính.

Làn sóng sa thải toàn cầu lan rộng sang nhiều lĩnh vực

Biện pháp ứng phó với biến động thị trường của doanh nghiệp

Đa số doanh nghiệp tại Việt Nam lựa chọn cắt giảm dưới 25% nhân sự, riêng một số ngành cắt giảm lên đến 75%.

Để ứng phó với những biến động của thị trường, cắt giảm nhân sự là giải pháp được hơn 68.7% doanh nghiệp lựa chọn, theo sau là biện pháp ngưng tuyển dụng mới (52.6%). Góp mặt trong top 5 biện pháp được doanh nghiệp áp dụng nhiều nhất còn có tăng cường đào tạo chuyên môn và kỹ năng mềm cho nhân viên (chiếm 46.9%), điều chuyển nhân sự nội bộ (chiếm 43.2%), và cắt giảm giờ làm (chiếm 14.1%).

Tại Việt Nam, quy mô cắt giảm tập trung dưới 25% trong các ngành nghề như: Ngân hàng, Vận tải/ Giao nhận/ Chuỗi cung ứng, Tự động hóa/ Ô tô, Hóa chất/ Vật liệu xây dựng & Bao bì/ In ấn/ Nhựa, Dược phẩm, Dịch vụ chăm sóc sức khỏe, Năng lượng/ Năng lượng tái tạo & Dầu khí, Bảo hiểm, Ngành thương mại, dịch vụ có vốn đầu tư của Nhật.

Rất ít doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm nhân sự với quy mô lớn. Cắt giảm từ 50% đến dưới 75% nhân sự xuất hiện trong 2 ngành Xây dựng/ Bất động sản và Dịch vụ tư vấn với cùng tỷ lệ là 10.0% doanh nghiệp. Duy nhất ngành Dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm trên 75% nhân sự, chiếm 5.0%.

Kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp trong 1 năm tới

Kế hoạch tuyển dụng của doanh nghiệp trong 1 năm tới

Hơn 50% doanh nghiệp vẫn sẽ tuyển dụng thêm nhân sự trong 1 năm tới và ưu tiên đối với ứng viên có kỹ năng giải quyết vấn đề.

Mặc dù có những biến động trong thị trường tuyển dụng vừa qua, 59.1% doanh nghiệp cho biết vẫn sẽ tuyển dụng thêm dưới 25% nhân sự trong 1 năm tới. Trong đó, doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng nhân sự có kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, đã có 1-3 năm kinh nghiệm (nhưng chưa phải quản lý), sau đó là sinh viên Mới tốt nghiệp và cấp bậc Quản lý bộ phận. Kinh doanh/ bán hàng là phòng ban mà doanh nghiệp sẽ ưu tiên tuyển dụng nhiều nhất, tiếp đến là phòng ban Sản xuất và truyền thông/ tiếp thị.

Những yếu tố doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng

—————————

“Không chỉ ở Việt Nam, mà các doanh nghiệp cùng người lao động tại các nước trên thế giới hiện nay đều đang cố gắng dùng nhiều giải pháp để ứng phó với biến động của nền kinh tế, trong đó là những thay đổi từ tư duy, cách vận hành doanh nghiệp, trang bị kỹ năng cần thiết, đến hoạt động tuyển dụng – tìm việc. Điều cần thiết là doanh nghiệp và người lao động cập nhật được bức tranh đầy đủ, khách quan về thực trạng và kỳ vọng từ cả hai phía để có được sự chuẩn bị tốt nhất cho việc thích ứng và bắt kịp với các thay đổi có thể tiếp tục diễn ra.” – Ông Ryosuke Kanemoto, CEO Navigos Group cho biết.

Ông Ryosuke Kanemoto – CEO Navigos Group

Thực trạng thị trường lao động Việt Nam với ứng viên/ người lao động

Tình trạng mất việc của ứng viên/ người lao động

Phần lớn ứng viên/ người lao động hiện vẫn có công việc ổn định.

69% người lao động tham gia khảo sát không bị mất việc và vẫn làm việc ổn định, tuy nhiên tỷ lệ tìm được việc làm mới sau khi mất việc vẫn còn tương đối thấp (11.4%). Các ngành Năng lượng/ Năng lượng tái tạo & Dầu khí, May mặc/ Dệt may/ Da giày và Hóa chất/ Vật liệu xây dựng & Bao bì/ In ấn/ Nhựa có nguy cơ bị mất việc cao nhất.

Thực trạng thị trường lao động Việt Nam với ứng viên/ người lao động

Tình trạng lương, thưởng & phúc lợi của ứng viên/ người lao động tại các doanh nghiệp

Nhiều ứng viên/ người lao động vẫn được tăng lương và nhận được đầy đủ phúc lợi bắt buộc.

43.3% người lao động cho biết được tăng lương từ 5% đến dưới 10%. Số nhân sự bị giảm lương chỉ chiếm thiểu số với mức giảm từ 15% đến dưới 20%.

Gần 70% người lao động vẫn nhận được đầy đủ phúc lợi bắt buộc từ tổ chức/ doanh nghiệp mà họ đang làm việc. Đối với những nhân sự bị ảnh hưởng bởi làn sóng cắt giảm, thanh toán tiền lương đầy đủ và kịp thời là hỗ trợ nhận được nhiều nhất bên cạnh các chế độ trợ cấp thất nghiệp và trợ cấp thôi việc.

Mức giảm lương của người lao động

Sự thay đổi về thái độ & suy nghĩ của ứng viên/ người lao động về thị trường

Tâm lý người lao động vẫn khá tích cực và sẵn sàng nâng cao khả năng cạnh tranh.

Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, nhìn chung tâm lý của ứng viên/ người lao động vẫn khá tích cực. Theo dữ liệu Navigos Group ghi nhận tại thời điểm làm khảo sát công khai vào Q3.2023, có đến 55.2% lựa chọn tích cực đón nhận và chủ động tìm kiếm công việc mới, cũng như 22.5% lựa chọn tự tin mình không bị ảnh hưởng khi được hỏi về tâm lý đối mặt với thông tin cơn bão cắt giảm nhân sự.

Mỗi ứng viên/ người lao động cũng nhận thức trang bị cho bản thân những giải pháp nhằm gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường. Trong đó, nâng cao kỹ năng mềm hiện có là biện pháp được áp dụng nhất, chiếm 61.7%. Theo sau đó là chủ động tìm kiếm trước các cơ hội việc làm, kể cả khi chưa có nhu cầu, chiếm 53.9%.

Yếu tố tài chính cũng rất quan trọng trong bối cảnh hiện tại. Do đó quản lý tài chính cá nhân hiệu quả cũng là một biện pháp được nhiều lựa chọn, đứng thứ 3 trong kết quả khảo sát, với tỷ lệ bình chọn là 51.3%.

Tâm lý đối mặt với thông tin cơn bão cắt giảm nhân sự của người lao động

Kỳ vọng và mối quan tâm mới của ứng viên/ người lao động Việt Nam về chất lượng công việc

Lương vẫn là yếu tố hàng đầu khi tìm kiếm một công việc mới.

83.4% người lao động cho biết khi tìm kiếm một công việc mới sẽ ưu tiên trước hết là lương. Và 70% trong đó cho biết đây là yếu tố có tác động mạnh mẽ nhất tới quyết định từ bỏ công việc hiện tại nếu họ không được thỏa mãn bởi công ty.

Theo sau đó là yếu tố khác như văn hóa công ty, cơ hội thăng tiến trong công việc hay cơ chế thưởng. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế có nhiều biến động, người lao động kỳ vọng nhiều vào sự ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và những hỗ trợ tài chính như: được thanh toán lương đúng hạn.

Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều biến động, Ứng viên/ người lao động cũng rất kỳ vọng vào sự ổn định về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nhằm gia tăng sự đảm bảo công việc cho họ. Yếu tố này đạt 45.7% và đứng thứ 5 theo kết quả khảo sát.

Top 10 hỗ trợ người lao động kỳ vọng nhận được từ doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn

PHẦN 3: TRIỂN VỌNG VỀ THỊ TRƯỜNG LAO ĐỘNG VIỆT NAM NĂM 2024

Xu hướng làm việc được ứng viên/ người lao động quan tâm trong giai đoạn 2023-2024

Làm việc linh hoạt là xu hướng đang được nhiều người lao động quan tâm nhất, chiếm 49.1%. Đồng thời, mối quan tâm đến sức khỏe tinh thần cũng được đề cao khi 43.7% nhân sự lựa chọn ưu tiên cân bằng giữa cuộc sống – công việc.

Trong top 5 còn có các yếu tố làm việc từ xa (chiếm 40.1%), ứng dụng của AI (chiếm 37.7%) và trao quyền cho nhân viên (chiếm 35.8%).

Những việc làm mới sẽ xuất hiện tại Việt Nam trong giai đoạn 2023-2024

Các vị trí việc làm mới dần xuất hiện, sẽ tập trung về trí tuệ nhân tạo, công nghệ kỹ thuật số, xử lý dữ liệu, phân tích tình hình kinh doanh.

Trong đó, các công việc liên quan đến lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) là câu trả lời phổ biến nhất và sẽ xuất hiện trong hầu hết các ngành nghề, tiêu biểu như: Công nghệ thông tin/ Viễn thông, Xây dựng/ Bất động sản, Ngân hàng, Giáo dục, Dịch vụ Tài chính & Tư vấn, Dịch vụ tư vấn,… vị trí việc làm mới thiên về xử lý dữ liệu cũng dần xuất hiện trong các ngành Xây dựng/ Bất động sản, Thiết bị điện tử, Công nghệ thông tin/ Viễn thông, Ngân hàng, Dịch vụ tư vấn, Bảo hiểm,…

Vị trí việc làm mới xuất hiện trong các ngành nghề

Kỹ năng cốt lõi cần tập trung phát triển của ứng viên/ người lao động trong giai đoạn 2023-2024

Khi được hỏi về những kỹ năng cốt lõi mà ứng viên/ người lao động cho rằng cần tập trung phát triển trong năm 2023, kéo dài đến năm 2024, ngoại ngữ và tư duy phân tích cùng đứng đầu với tỷ lệ lựa chọn tương đương nhau là 55.1%. Nhằm tăng tính cạnh tranh cho bản thân trên thị trường lao động, ứng viên/ người lao động còn tập trung phát triển các kỹ năng như tư duy sáng tạo (chiếm 48.2%), giải quyết vấn đề (chiếm 42.2%) và giao tiếp hiệu quả (chiếm 39.5%).

Kết quả này khá tương đồng khi tham chiếu với những yếu tố mà doanh nghiệp ưu tiên khi tuyển dụng. Cụ thể ngoại ngữ, giao tiếp hiệu quả hay giải quyết vấn đề,… đều là những yếu tố đứng đầu trong cả hai khảo sát. Đồng thời, trong bối cảnh nhiều biến động như hiện tại, cả ứng viên/ người lao động cũng như doanh nghiệp đều quan tâm đến yếu tố thích ứng với thay đổi.

PHẦN 4: ĐỀ XUẤT TỪ NAVIGOS GROUP

Dành cho doanh nghiệp

Để thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, nắm bắt được tin tức kinh tế thị trường, xu hướng thị trường tuyển dụng, và tâm lý của người lao động, nhằm xây dựng kế hoạch thu hút, tuyển dụng và giữ chân nhân tài hiệu quả. Cụ thể:

  • Xây dựng cơ chế lương – thưởng minh bạch và hấp dẫn; Chú trọng vào Lương như một yếu tố thu hút Ứng viên khi tuyển dụng; đảm bảo các chính sách về lương, thưởng cho nhân viên; Tăng/ đa dạng thêm các khoản thưởng hoặc tài trợ về tài chính…
  • Xây dựng và lan tỏa văn hóa doanh nghiệp đến rộng rãi người lao động thông qua các hoạt động xây dựng thương hiệu tuyển dụng; Đa dạng hóa các kênh tuyển dụng nhằm tiếp cận tối đa tới nguồn Ứng viên tiềm năng…
  • Xây dựng lộ trình thăng tiến rõ ràng cho mỗi nhân viên; Nhìn nhận và đánh giá năng lực nhân viên thường xuyên; Chú trọng nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên; Lắng nghe và đặt niềm tin nhiều hơn vào nhân viên, trao cho họ quyền tự hành động và quyết định trong một khuôn khổ cụ thể.
  • Cân nhắc chú trọng đào tạo kỹ năng và điều chuyển nhân viên nội bộ vào những vị trí mới trong tổ chức thay vì tuyển dụng mới.

Đề xuất từ Navigos Group dành cho doanh nghiệp

Dành cho ứng viên/ người lao động

Để có sự chuẩn bị tốt khi tình hình kinh tế thị trường bình ổn và phát triển trở lại, cũng như việc đáp ứng yêu cầu tuyển dụng thời đại mới, người lao động cần:

  • Liên tục cập nhật về tin tức thị trường, xu hướng tuyển dụng, nắm bắt yêu cầu của Nhà tuyển dụng;
  • Tìm kiếm cơ hội việc làm ở nhiều nguồn tuyển dụng khác nhau, đặc biệt là các trang tuyển dụng trực tuyến, hay thông qua mối quan hệ cá nhân (giới thiệu nội bộ) và mối quan hệ với các chuyên gia tuyển dụng;
  • Chủ động học hỏi để phát triển và thể hiện tốt các kỹ năng giải quyết vấn đề, giao tiếp hiệu quả, ngoại ngữ và thích ứng với thay đổi,…
  • Nắm bắt các xu hướng làm việc mới, biết áp dụng AI vào công việc để nâng cao năng suất lao động,.v.v.

Đề xuất từ Navigos Group dành cho người lao động

PHẦN 5: BẢNG LƯƠNG CHI TIẾT 23 NGÀNH HÀNG THEO TỪNG PHÒNG BAN & CẤP BẬC LÀM VIỆC TẠI TP.HCM VÀ HÀ NỘI

Báo cáo Khảo sát lương 2024 của Navigos Group tổng hợp và mang đến Chi tiết bảng lương 23 ngành nghề, trải dài rộng khắp những ngành hàng quan trọng, với chi tiết thông tin mức lương tối thiểu và tối đa tại 2 thành phố lớn là Hồ Chí Minh và Hà Nội, đồng thời, tất cả các cấp bậc trong bảng lương từ thực tập sinh – có kinh nghiệm – đến cấp quản lý hay Giám đốc đều được phân chia rõ ràng để người đọc dễ dàng tham khảo.

Bảng lương cũng cho thấy xu hướng mới của thị trường khi các vị trí về Môi trường, Xã Hội và Quản trị ngày càng được đầu tư, khi mức lương cho các phòng ban này trong ngành Thiết bị điện tử, Hóa chất/ Vật liệu xây dựng & Bao bì/ In ấn/ Nhựa, Nông nghiệp, Sản xuất có vốn đầu tư của Nhật Bản có xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước.

Tầm quan trọng của việc đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu được nâng cao khi bảng lương năm nay nhận thấy các doanh nghiệp ngày càng đầu tư vào mức lương cho phòng ban Dữ liệu trong các ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông, Ngân hàng, Năng lượng/ Năng lượng tái tạo & Dầu khí.

Xem thêm: ‘Chán làm việc’ trở thành vấn nạn toàn cầu

— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

adsads
Bài Viết Liên Quan

Thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành Công nghệ Thông tin trong làn sóng Trí tuệ Nhân tạo giai đoạn 2024-2025

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 10 năm 2024 – VietnamWorks inTECH - thương hiệu việc làm & tuyển dụng ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT), trực thuộc VietnamWorks - Navigos Group, cho ra mắt “Thực trạng Nhân sự và Tuyển dụng ngành Công nghệ Thông tin trong làn sóng Trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2024 - 2025” từ khảo sát với 1.500 ứng viên và gần 500 doanh nghiệp.

NAVIGOS GROUP ĐỒNG HÀNH THỰC HIỆN VÀ PHÁT HÀNH “BÁO CÁO NGHỀ NGHIỆP KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG BỐI CẢNH MỚI”

Nhằm mang đến một bức tranh tổng thể về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới trên các phương diện đào tạo, tác động của thay đổi công nghệ, tuyển dụng và việc làm, khoảng cách giữa yêu cầu thực tế với đào tạo trong nhà trường cũng như một số đặc điểm về giới tính và thế hệ trong cảm nhận về nghề nghiệp, Navigos Group cùng Hội Kế Toán Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và Học Viện Smart Train đồng hành thực hiện và phát hành “Báo cáo nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán trong bối cảnh mới”.

Google sa thải hơn 1.000 nhân sự

Mở đầu năm 2024, Google tiến hành sa thải hàng loạt nhân sự từng tham gia vào các sản phẩm đáng chú ý nhất của hãng.

Nhân sự tại các công ty thuần về công nghệ có công việc ổn định nhất

Theo báo cáo của VietnamWorks inTECH, nhân sự công nghệ thông tin làm việc tại các công ty thuần về công nghệ ghi nhận có công việc ổn định nhất, chiếm 61,3%; tiếp theo là tại các doanh nghiệp có sản phẩm - dịch vụ không thuộc ngành công nghệ (50,4%) và tại các doanh nghiệp Outsource/Consulting, con số này chỉ là 45,6%.

Bài Viết Liên Quan

Thực trạng nhân sự và tuyển dụng ngành Công nghệ Thông tin trong làn sóng Trí tuệ Nhân tạo giai đoạn 2024-2025

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 10 năm 2024 – VietnamWorks inTECH - thương hiệu việc làm & tuyển dụng ngành Công Nghệ Thông Tin (CNTT), trực thuộc VietnamWorks - Navigos Group, cho ra mắt “Thực trạng Nhân sự và Tuyển dụng ngành Công nghệ Thông tin trong làn sóng Trí tuệ nhân tạo giai đoạn 2024 - 2025” từ khảo sát với 1.500 ứng viên và gần 500 doanh nghiệp.

NAVIGOS GROUP ĐỒNG HÀNH THỰC HIỆN VÀ PHÁT HÀNH “BÁO CÁO NGHỀ NGHIỆP KẾ TOÁN, KIỂM TOÁN TRONG BỐI CẢNH MỚI”

Nhằm mang đến một bức tranh tổng thể về nghề nghiệp kế toán, kiểm toán trong bối cảnh mới trên các phương diện đào tạo, tác động của thay đổi công nghệ, tuyển dụng và việc làm, khoảng cách giữa yêu cầu thực tế với đào tạo trong nhà trường cũng như một số đặc điểm về giới tính và thế hệ trong cảm nhận về nghề nghiệp, Navigos Group cùng Hội Kế Toán Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam và Học Viện Smart Train đồng hành thực hiện và phát hành “Báo cáo nghề nghiệp Kế toán, Kiểm toán trong bối cảnh mới”.

Google sa thải hơn 1.000 nhân sự

Mở đầu năm 2024, Google tiến hành sa thải hàng loạt nhân sự từng tham gia vào các sản phẩm đáng chú ý nhất của hãng.

Nhân sự tại các công ty thuần về công nghệ có công việc ổn định nhất

Theo báo cáo của VietnamWorks inTECH, nhân sự công nghệ thông tin làm việc tại các công ty thuần về công nghệ ghi nhận có công việc ổn định nhất, chiếm 61,3%; tiếp theo là tại các doanh nghiệp có sản phẩm - dịch vụ không thuộc ngành công nghệ (50,4%) và tại các doanh nghiệp Outsource/Consulting, con số này chỉ là 45,6%.

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers