Mỗi người đều có những định hướng, mục tiêu khác nhau trong cuộc sống và sự nghiệp. Điều này quyết định đến lối sống của họ. Có người muốn thăng tiến lên những vị trí cao nhất trong công ty, có người muốn mình trở thành người có tiếng nói hay có một đội ngũ nhân viên cấp dưới… Để đạt được điều đó, họ phải nỗ lực gấp nhiều lần người khác, làm ngày làm đêm, không ngừng trau dồi học hỏi và gần như không có thời gian nghỉ ngơi.
Nhưng cũng có những người chọn lối sống an nhàn, không ganh đua, không sân si. Họ có vẻ trầm lắng hơn trong môi trường công sở, thậm chí, họ còn bị nhận xét lười biếng, không biết phấn đấu. Cũng chính vì suy nghĩ áp đặt từ xung quanh như vậy mà họ buộc phải ép bản thân chạy theo người khác, làm những điều mà bản thân không thực sự mong muốn.
An nhàn và lười biếng: Hai khái niệm không nên đánh đồng
Sẽ rất sai lầm nếu bạn cho rằng người chọn lối sống an nhàn là những người lười biếng bởi hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau. Người lười biếng là người không chịu cố gắng hay nỗ lực để đạt được một điều gì dù họ rất muốn. Sáng xách cặp đến công ty và chiều đúng giờ ra về mà không quan tâm đến hiệu quả. Với họ, công việc là những guồng quay lặp đi lặp lại, bản thân không cần phải tư duy hay thay đổi, trau dồi gì, chỉ cần đến tháng nhận lương là đủ. Họ cũng là những người dễ dàng khó chịu nếu phải nhận thêm công việc hay tăng ca.
Trong khi đó, người chọn lối sống an nhàn lại khác. Họ chọn cách không ganh đua với ai, không tranh giành với ai. Nhưng điều đó không có nghĩa họ lười làm việc, lười tư duy. Ngược lại, họ luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất mọi công việc của mình, không ngừng trau dồi kiến thức và kỹ năng để bản thân cảm thấy tự tin với mọi nhiệm vụ.
An nhàn ở đây là họ không có tham vọng thăng chức, không muốn đưa mình vào các vấn đề “chính trị” chốn văn phòng. Họ chỉ muốn được làm công việc chuyên môn, hoàn thiện bản thân mỗi ngày, hưởng mức lương tương xứng và không can dự vào những chuyện “hậu cung” khác.
Nếu như với một số người, thành công là phải “trên vạn người”, khiến ai ai cũng phải ngước nhìn, tậu nhà mua xe… thì với những người chọn lối sống an nhàn, thành công đơn giản là cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng. Họ muốn làm công việc yêu thích trong khả năng của mình và đồng thời muốn dành thời gian cho gia đình, bạn bè, cho những chuyến du lịch… Vậy nên, thay vì dành ¾ thời gian cho công việc, họ sẽ chia đều thời gian cho công việc và các mối quan tâm khác.
Quan trọng là bản thân cảm thấy hạnh phúc
Tất cả những gì bạn muốn là một cuộc sống an nhàn? Vậy thì tại sao phải bận tâm và mệt mỏi vì những đánh giá hay nhận xét từ xung quanh để rồi gồng mình chạy theo thành công của người khác? Việc chọn cuộc sống an nhàn không phải chuyện sai hay đúng mà nó tùy thuộc vào cảm quan, định hướng riêng của mỗi người.
Bạn bè, đồng nghiệp cảm thấy hạnh phúc khi thăng tiến lên cấp bậc mới trong khi hạnh phúc với bạn đơn giản là được về nhà ăn tối mỗi ngày, tham gia một khóa học yêu thích vào cuối tuần… Đi nhanh hay đi chậm không quan trọng, quan trọng nhất vẫn là bản thân cảm thấy hạnh phúc, ổn thỏa với những lựa chọn của mình.
Mọi người xung quanh không thể sống thay cuộc đời của bạn. Vậy nên, đừng để “cái bóng” của người khác ảnh hưởng quá nhiều đến mình và mệt mỏi vì nó. Nếu đã chọn an nhàn, thì cứ an nhàn thôi. Coi trọng sức khỏe, làm việc có kế hoạch, nỗ lực cho cả những việc nhỏ nhất và hoàn thành từng mục tiêu của riêng mình, không so sánh hay hơn thua với bất kỳ ai.
Mỗi chúng ta đều có lộ trình của riêng mình và con đường phía trước còn rất dài, thay vì cắm đầu chạy theo những điều mông lung, hãy bảo tồn thể lực và bước tiếp một cách thông minh.
>>Xem thêm bài viết: Thích nhảy việc và 4 hoang tưởng khiến người trẻ “chết chìm” trong đam mê
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.