Bắt đầu lơ ngơ vào nghề Trợ lý với một mớ lý thuyết suông, không có định hướng và mò mẫm từng bước như một đứa trẻ tập đi. Sếp của tôi lúc đó cũng là người thầy đặc biệt đầu tiên, đã nói rằng: “Khi coi nghề của mình là nghiệp, em mới có thể yêu, cảm nhận và hết mình vì nó được. Đến lúc em “cảm” được nghề trợ lý, thì đó sẽ là cơ hội để em có thể học hỏi và đạt được những nấc thang mới trong sự nghiệp nhanh nhất”. Mỗi khái niệm đều mang một tính chất tương đối, nó có thể đúng với người này nhưng sai với người khác. Tuy nhiên, với những kinh nghiệm và bài học tiếp thu được sau nhiều năm theo “nghiệp”, tôi có thể khẳng định với các bạn những gì thầy tôi nói là đúng. Bạn thấy và học được gì từ nghề Trợ Lý? Tôi xin chia sẻ một chút những trải nghiệm của cá nhân nhé:
Xưởng rèn chiến binh thép
Nếu bạn là một trợ lý theo đúng nghĩa bạn sẽ cảm thấy mình luôn giống như đang trong một lò luyện nóng bỏng. Áp lực, sức ép từ nhiều phía, từ cấp trên, đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, các cơ quan nhà nước. Nếu là một trợ lý đúng nghĩa, bạn sẽ thấy sếp sẽ mời bạn đứng trước để hứng gió, thế nhưng không phải vì sếp muốn bạn làm bia đỡ đạn đâu, chỉ khi sếp tin tưởng thì bạn mới được cơ hội ấy. Bạn đang được sếp cho cơ hội tôi luyện chính mình, cơ hội mà không phải ai muốn cũng được. Vì vậy nếu bạn nào đang rơi vào tình trạng như vậy hãy cứ bình tĩnh, sáng suốt và chiến đấu. Hãy thể hiện mình là một người Trợ Lý bản lĩnh.
Quản gia thứ thiệt
Trái ngược với bên trên, nếu bạn nào đang làm Trợ Lý theo kiểu nửa công nửa tư thì các bạn sẽ được nếm hương vị này. Bạn sẽ được giao những trọng trách cực lớn như: đón con cho sếp, mang bộ vest của sếp đi giặt là, đi mua quà sinh nhật cho bạn của sếp… và sếp cũng chỉ tin tưởng giao cho bạn mà thôi. Vậy bạn nên làm gì? Bạn nên biết, trong nghề Trợ Lý bạn còn phải biết cách từ chối sếp sao cho khéo léo và chỉ cho sếp thấy những công việc lớn lao hơn, cấp bách hơn đang chờ mình xử lý. Hãy thể hiện mình là người Trợ Lý đa năng và thông minh.
Đầy tớ của nhân dân
Bạn đã khi nào làm tròn trách nhiệm, làm người đại diện của cán bộ nhân viên trong công ty trước lãnh đạo chưa? Bạn đừng liên tưởng đến những vấn đề của phòng nhân sự. Sẽ có những biến động liên quan đến hoạt động kinh doanh, điều hành từ phía những phòng ban. Thế rồi tất cả thông tin được dồn về một phía đó là Trợ Lý. Khi các phòng ban gặp vấn đề, phát sinh, hay mắc lỗi tất nhiên là không ai muốn đụng chạm tới người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đấy. Vậy thông qua các mối quan hệ đồng nghiệp, họ tìm đến và nhờ cậy bạn. Đây là cơ hội tốt, nếu bạn biết tận dụng nó để hiểu hơn về các phòng ban và chi phí của cơ hội này là bạn sẽ phải xung phong làm tiền trạm. Đừng lo hãy thể hiện mình là người Trợ Lý công tâm và luôn lo lắng cho hoạt động kinh doanh cũng như quản trị của công ty.
Công dân kiểu mẫu mà muôn đời không được vinh danh
Bạn là một Trợ lý giỏi, suất xắc và nổi bật giữa rất nhiều cán bộ nhân viên trong công ty, nhưng bạn tự hỏi cuối năm nào cũng chỉ thấy các phòng lên nhận giải, còn mình thì cứ phải lăng xăng đi lo chuẩn bị lễ trao giải và dọn dẹp. Bạn được tăng lương đều đặn, bạn được thưởng lễ Tết và cuối năm. Bạn được sếp tin tưởng và khen ngợi trực tiếp. Bạn học được nhiều điều từ sếp, từ những cơ hội mà sếp giao cho bạn. Bạn được gặp gỡ, giao tiếp và mở rộng mối quan hệ với nhiều người. Thành thật mà nói bạn được rất nhiều… Với nghề Trợ Lý, phần thưởng lớn nhất không phải là sự vinh danh trước đám đông, mà là những giá trị bạn nhận về cho bản thân và bạn đã giúp gì được cho sếp. Nếu bạn ngẫm kỹ, bạn sẽ thấy bạn được thưởng rất nhiều, vượt xa những gì những cán bộ nhân viên khác trong công ty có thể nhận. Hãy là thể hiện mình là người Trợ Lý khiêm nhường nhưng hiệu quả, hãy để những thành quả được tập thể công ty ghi nhận vinh danh bạn.
Ai là triệu phú
Bạn đang ngồi trên ghế nóng đấy bạn biết không. Hiện tại tuổi thọ trung bình của một Trợ Lý tại các công ty ở Việt Nam là khá thấp, chỉ nằm trong khoản hai đến ba năm. Nguyên nhân một phần là do mấy điều tôi liệt kê bên trên đã làm cho các sỹ tử rơi rụng dần. Hoặc cũng có thể do họ thay đổi vị trí, tìm được công việc phù hợp hơn, chán cảnh làm thuê và khởi nghiệp. Nhiều bạn cho rằng nghề Trợ Lý là bước đệm, hay chỉ là công việc tạm thời cho có nên họ cũng không đặt quá nhiều tâm huyết vào nó. Cũng có thể là do cái khái niệm Lifer và Climber đã ảnh hưởng đến họ phần nào nhưng theo một chiều hướng không được tích cực cho lắm. Tất nhiên mỗi người một ước mơ, một hoài bão, nhưng theo tôi các bạn nên suy nghĩ như trên phần đầu tôi đề cập. Hãy coi nghề bạn chọn là một nghiệp để bạn có thể yêu thương và cảm nhận hết giá trị của nó. Hãy thể hiện mình là một người Trợ Lý sâu sắc và có lý tưởng.
Trên đây chỉ là những kinh nghiệm nhỏ của tôi, nhưng hi vọng với những gì tôi chia sẻ, sẽ giúp các bạn hiểu hơn về nghiệp Trợ Lý. Với riêng tôi, tôi đã nhận được rất nhiều từ con đường mà tôi đã chọn. Chưa phải là người thực sự thành công, nhưng với những gía trị mà tôi đang có tôi có thể khẳng định lại với các bạn một lần nữa “Nghiệp Trợ Lý thực sự tuyệt vời”. Chúc các bạn thành công trên con đường mình đã chọn.
— Chia sẻ từ một bạn độc giả ẩn danh —
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.