Reference là gì?
Reference còn được gọi là người tham chiếu. Thuật ngữ này khá phổ biến hiện nay và nhiều doanh nghiệp còn yêu cầu ứng viên thêm thông tin người tham chiếu này vào CV của mình.
Vì thế, khi lựa chọn Reference, chúng ta phải lựa chọn người đáng tin cậy và xin phép họ trước khi đưa vào CV của mình. Việc đưa thông tin người tham chiếu vào hồ sơ xin việc nhằm mục đích:
Chứng thực thông tin
Những gì ghi trên hồ sơ đôi khi không đúng với thực tế. Nhiều ứng viên để tăng tính thu hút của hồ sơ không ngại “chém gió” đánh bóng năng lực của mình quá đà. Chỉ thông qua vài vòng phỏng vấn rất khó để kiểm tra toàn diện năng lực của ứng viên. Lúc này, người tham chiếu đóng vai trò là người chứng thực thông tin ứng viên nêu trên hồ sơ có đúng với thực tế hay không.
Khám phá khía cạnh khác của ứng viên
Thông qua buổi tuyển dụng ngắn ngủi, nhà tuyển dụng rất khó tìm hiểu hết thông tin về ứng viên. Liệu có những sở thích nào phù hợp với doanh nghiệp? Tính cách nào của ứng viên tương thích với môi trường làm việc này? Những điều đó sẽ được giải quyết bằng cách trò chuyện tìm hiểu ứng viên thông qua người tham chiếu này.
Trong trường hợp, bạn được người khác giới thiệu vào môi trường làm việc mới. Người giới thiệu này cũng đóng vai trò người tham chiếu về tính cách, năng lực của bạn.
Dù bằng cách nào thì việc đưa người tham chiếu vào Cv cũng có rủi ro nhất định. Nếu không may người tham chiếu đưa thông tin không chính xác hoặc nói xấu bạn, khả năng vào “sổ đen” của nhà tuyển dụng sẽ rất lớn.
Làm gì khi nhờ cậy không đúng người?
“Em đã xin phép trước với cấp trên cũ để thêm thông tin tham chiếu vào hồ sơ xin việc của mình. Nhưng khi nhà tuyển dụng gọi xác nhận thông tin, em bất ngờ vì bị kể xấu về quá trình làm việc. Em khá buồn và không biết phải làm gì tiếp theo. Khả năng bị đánh trượt khỏi vòng sơ tuyển là rất cao”.
Nội dung trên là lời trần tình của cô bạn trẻ trên diễn đàn tâm sự tìm việc làm. Nhiều trường hợp bức xúc vì cấp trên cũ đã “đạp đổ chén cơm” của nhân viên mình. Cũng không ít người an ủi xem như đây là chuyện xui rủi và để nhìn rõ về nhau.
Quả thực, thêm thông tin người xác thực giúp tăng độ uy tín của hồ sơ nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro cho ứng viên. Bạn sẽ làm gì nếu bị nói xấu bởi trao nhầm lòng tin cho người tham chiếu này?
Giữ bình tĩnh xử lý vấn đề
Thêm người tham chiếu vào hồ sơ chỉ là hình thức tham khảo thêm giúp nhà tuyển dụng chứng thực thông tin. Nó chỉ ảnh hưởng khoảng 20% thái độ của nhà tuyển dụng đối với bạn. Quan trọng hơn hết, bạn phải chứng minh được năng lực và thái độ tìm việc của mình thông qua ứng xử trực tiếp.
Vì thế, hãy giữ bình tĩnh trong trường hợp bị người tham chiếu đâm sau lưng thế này. Nếu họ cung cấp thông tin không chính xác về năng lực chuyên môn của bạn, hãy hỏi về bài kiểm tra nghiệp vụ chuyên môn để bác bỏ thông tin sai lệch đó. Nếu họ cho rằng bạn là người làm việc không đạt hiệu quả, hãy cho họ thấy bạn lên kế hoạch làm việc mỗi ngày như thế nào.
Tất cả những hành động đó như lời đáp trả đanh thép cho việc cung cấp thông tin sai lệch từ người tham chiếu. Nhà tuyển dụng thừa kinh nghiệm để nhận ra đâu là thông tin thật và giả.
Không nói xấu đáp trả lại người tham chiếu
Khi đối mặt với việc ngoài ý muốn, nhiều người mất bình tĩnh và dùng lời lẽ tiêu cực để nói về người khác. Hành động đó chỉ khiến bản thân bạn bị đánh giá thấp vì tính bốc đồng, thiếu kiềm chế của mình.
Mục tiêu của nhà tuyển dụng là xem xét thái độ ứng xử của bạn trước tình huống khó xử này. Vì thế, đừng nói xấu như lời đáp trả lại người tham chiếu xấu tính kia. Hãy bình tĩnh xử lý vấn đề và đừng hạ bệ người khác bằng lời lẽ tiêu cực. Điều đó chỉ khiến hình ảnh của bạn tệ hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Thể hiện sự chân thành và cầu việc của bạn
Chúng ta đều làm việc và hướng đến tương lai. Vì thế, quá khứ không phải là vấn đề quan trọng nữa. Hãy cho nhà tuyển dụng thấy được sự nhiệt huyết và tinh thần ham học hỏi của bạn.
Ví dụ như: “Tôi rất thích môi trường làm việc này. Tôi tin mình sẽ phát huy được năng lực nếu có cơ hội được làm việc tại đây” Hay “ Khi nào có kết quả phỏng vấn? Tôi sẽ liên lạc lại sau 2 ngày để hỏi về kết quả phỏng vấn được chứ?”
Điều đó cho thấy thiện chí muốn làm việc của bạn tại đây. Chẳng doanh nghiệp nào thích nhân viên của mình không hứng thú với vị trí công việc cả. Kinh nghiệm có thể đào tạo, nhưng thái độ làm việc thì không. Vì thế, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận ứng viên chưa đủ kinh nghiệm nhưng nhiệt huyết với công việc.
Lựa chọn người tham chiếu rất quan trọng, nó có thể ảnh hưởng đến kết quả phỏng vấn của bạn. Vì thế, hãy cẩn trọng “nhìn mặt, gửi vàng” đúng người. Hy vọng qua bài viết trên sẽ cung cấp thêm những mẹo hay giúp bạn thành công vượt qua vòng phỏng vấn xin việc.
>> Xem thêm: Văn hóa công ty không phù hợp? Người chuyên nghiệp nên làm gì?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.