Vậy nếu không đủ tiêu chuẩn, làm sao ứng viên có thể thông qua vòng phỏng vấn? Hãy cùng VietnamWorks học hỏi cách chinh phục nhà tuyển dụng từ anh Châu Lê – COO của Đậu Má Mix kiêm Founder của Cộng đồng “Mar cũ chào Mar mới”, ngay cả khi bạn chưa đáp ứng được 100% yêu cầu về kỹ năng nhé!
Không chỉ riêng các bạn newbie mới ra trường phải trải qua câu chuyện không đủ tiêu chuẩn, anh Châu Lê dù đã có những thành tựu nhất định nhưng cũng vẫn phải trải qua một số giai đoạn gặp thách thức trong hành trình sự nghiệp: “Mình là đứa khá tham vọng và thích chinh phục, nên trong quá trình đi làm, ứng tuyển công việc, mình thường tìm tới những công việc khó đạt được hoặc chưa từng thử qua, vì mình quan điểm ‘High risk – High return’”.
Thậm chí anh Châu còn cho hay, có lúc anh chỉ đạt khoảng một nửa số yêu cầu trong công việc mà anh ứng tuyển: “Có những vị trí đọc vào JD mình biết thừa chỉ đạt khoảng 50 – 60% trên tổng yêu cầu, nhưng mình vẫn ứng tuyển và vẫn vượt qua phỏng vấn”.
Đầu tiên, trước mỗi lần ứng tuyển, anh Châu thường sẽ “ngó” qua thương hiệu cũng như là những nền tảng đang hiện diện, kể cả kênh online và kênh offline. Sau đó, anh Châu sẽ dành thời gian để đánh giá sơ bộ, thực hiện phân tích ma trận SWOT cũng như là đưa ra các góc nhìn cá nhân.
Cụ thể hơn thì với việc đánh giá sơ bộ, anh sẽ thực hiện khảo sát nhỏ về điểm bán, sản phẩm cũng như chất lượng của sản phẩm lẫn dịch vụ của thương hiệu. Tiếp đến anh phân tích ma trận SWOT dựa theo bốn yếu tố: Điểm mạnh (Strengths) – Điểm yếu (Weaknesses) – Cơ hội (Opportunities) – Thách thức (Threatens) cùng với góc nhìn của bản thân. Cuối cùng anh Châu sẽ đưa ra những giải pháp cũng như hướng giải quyết cho từng vấn đề.
“Sau khi phân tích được những vấn đề hiện hữu thì mình đã có được góc nhìn riêng”, vì thế ở bước này, anh Châu bắt đầu tự mô phỏng buổi phỏng vấn bằng cách tạo một bảng Question & Answer (Câu hỏi & Câu trả lời) như sau:
Question: Tự giới thiệu bản thân; Answer: Phần giới thiệu bản thân và kinh nghiệm chiếm 30%, 70% còn lại tập trung đưa ra những điểm mạnh và những kỹ năng, chuyên môn mà thương hiệu đang cần dựa trên bài phân tích trước đó. “Phần giới thiệu chỉ nên gói gọn khoảng 2 phút, phần này cố gắng khơi gợi được sự hứng thú cho nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu bạn”.
Ngoài ra còn có thêm những câu hỏi phổ biến khác mà bạn có thể tự chuẩn bị tại nhà như: “Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân”, “Em không phải ứng viên xuất sắc nhất, tại sao anh chị nên chọn em”,…
Dựa trên kinh nghiệm của anh Châu, những bạn ứng viên chưa có quá nhiều kinh nghiệm nên tự đặt vấn đề trước, tự phản chiếu lại để rồi qua đó đưa ra phân tích cũng như các giải pháp. “Biến mình thành người dẫn dắt của buổi phỏng vấn, giữ thế chủ động để show off được hết năng lực và khả năng của bản thân”, ví dụ như là:
“Em thấy công ty đang có vấn đề A và đã có cách giải quyết B rồi, với góc nhìn của em thì em sẽ…”
“Một case study gần đây của công ty mà em có tìm hiểu, em nghĩ công ty đang cần người hỗ trợ trong những quy trình…”
“Hôm trước em có ghé qua cửa hàng bên mình để trải nghiệm để có sự chuẩn bị trước phỏng vấn, em tự tin mình có thể giúp công ty…”
Mấu chốt của phần này nằm ở việc bạn có khả năng đưa ra giải pháp, giá trị thực của bản thân. Đồng thời cũng chứng minh cho doanh nghiệp thấy bạn có sự đầu tư cho công việc đang ứng tuyển và có thể mang lại các giá trị lợi ích cho doanh nghiệp.
Cuối cùng là các bạn ứng viên cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho phần đặt câu hỏi. Mặc dù phần này không quyết định được việc bạn đậu hay rớt, nhưng nó là cơ hội để bạn thăm dò tỉ lệ hài lòng của nhà tuyển dụng đối với bạn là bao nhiêu phần trăm để nhờ vào đó bạn có thể “kéo lại” buổi phỏng vấn. Vì thế, một số tips hữu ích được gợi ý dành cho các bạn ứng viên gồm:
(1) Đặt những câu hỏi mở để nhà tuyển dụng đánh giá về bản thân mình hoặc buổi phỏng vấn vừa rồi.
(2) Khiêm tốn đặt những câu hỏi mang tính cầu thị và lắng nghe.
(3) Hỏi về văn hóa, môi trường làm việc và đồng nghiệp, đội nhóm mình có thể sẽ làm việc cùng.
Phần này các bạn ứng viên có thể tập trung quan sát từng người trong hội đồng tuyển dụng để tự đánh giá “mức độ pass” của mình và “chốt hạ” thêm ở phần cuối.
Lời cuối, anh Châu Lê đã cho biết rằng đây có thể không phải là một phương pháp chuẩn chỉnh, nhưng nó chính là bài học kinh nghiệm mà anh đã từng áp dụng và thực sự mang lại hiệu quả. “Vì sau khi được nhận và onboard công việc, mình nhận ra mình thua những ứng viên khác về mặt kinh nghiệm và chuyên môn, nhưng mình phù hợp vì sự chuẩn bị và đưa ra góc nhìn đúng điều mà thương hiệu đang cần. Chúc các bạn sớm tìm được công việc ưng ý và phù hợp”.
Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.