Ngành kinh doanh quốc tế là gì?
Kinh doanh quốc tế (International business) là ngành bao gồm toàn bộ các hoạt động trao đổi, giao dịch thương mại như: chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, con người, tài nguyên, ý tưởng và công nghệ giữa các quốc gia. Đúng với tên gọi, ngành kinh doanh quốc tế mang tính chất toàn cầu và hội nhập rất cao.
Một số hình thức hoạt động trong ngành kinh doanh quốc tế có thể kể đến như:
- Sự luân chuyển hàng hóa giữa các quốc gia bao gồm: xuất khẩu, nhập khẩu, thương mại,…
- Thỏa thuận hợp đồng cho phép các doanh nghiệp nước ngoài sử dụng sản phẩm, dịch vụ và quy trình từ các quốc gia khác thông qua hình thức cấp phép hay nhượng quyền thương mại.
- Sự hình thành, hoạt động của các cơ sở bán hàng, sản xuất, nghiên cứu, phát triển và phân phối sản phẩm/dịch vụ ở thị trường nước ngoài.
Cần phân biệt kinh doanh quốc tế và kinh tế quốc tế
Đối với ngành kinh doanh quốc tế:
- Ngành kinh doanh quốc tế thuộc khối ngành quản trị, đi sâu vào hoạch định, triển khai các hoạt động kinh doanh và đầu tư quốc tế của doanh nghiệp, xí nghiệp.
- Kinh doanh quốc tế chuyên về quản lý các chuỗi cung ứng, làm việc trong ngành Logistics, xuất nhập khẩu, vận tải đường sắt, đường biển, đường hàng không, bảo hiểm hàng hoá…
- Kinh doanh quốc tế tuyển dụng quản lý trong các doanh nghiệp bao gồm: marketing, quản trị nguồn nhân lực (nhân sự), quản trị bán hàng, doanh nghiệp (tỷ giá hối đoái, thanh toán quốc tế), thực hiện các nghiệp vụ tài chính trong công ty.
Đối với ngành Kinh tế quốc tế:
- Ngành Kinh tế quốc tế có tính chất vĩ mô hơn, tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng là thương mại và tài chính quốc tế.
- Kinh tế quốc tế chuyên về lý luận các mối quan hệ kinh tế quốc tế, phân tích và hoạch định các chính sách kinh tế đối ngoại, đặc điểm phát triển kinh tế thế giới và các vấn đề về hội nhập kinh tế quốc tế.
Học ngành kinh doanh quốc tế ra trường làm gì?
Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh doanh quốc tế, bạn có thể làm việc tại các vị trí như:
- Chuyên viên xuất nhập khẩu hoặc nhân viên kinh doanh tại các công ty đa quốc gia, công ty kinh doanh xuất nhập khẩu, công ty giao nhận ngoại thương, các công ty kinh doanh ngoại tệ, các ngân hàng trong và ngoài nước.
- Chuyên viên tổng hợp, báo cáo, phân tích số liệu xuất nhập khẩu; chuyên viên thực hiện các gói dự án điều tra, giám sát và tổng hợp các dữ liệu để làm cơ sở quy hoạch phát triển khu công nghiệp, khu chế xuất và các loại hình kinh doanh quốc tế…
- Chuyên viên phụ trách các nhãn hàng của dự án quốc tế; chuyên viên phụ trách các dự án nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của doanh nghiệp; nhân viên kinh doanh tại các văn phòng đại diện nước ngoài tại Việt Nam, các chi nhánh hoặc văn phòng đại diện của các công ty Việt Nam ở nước ngoài; nhân viên làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
- Chuyên viên kinh doanh quốc tế làm việc tại các văn phòng Bộ/Sở Công thương, Bộ/Sở Kế hoạch và Đầu tư.
- Chuyên viên làm việc tại các viện nghiên cứu hoặc làm giảng viên giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng hay tự thành lập doanh nghiệp.
Cơ hội và mức lương ngành kinh doanh quốc tế
Lợi thế đặc biệt của ngành kinh doanh quốc tế là có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Một số lĩnh vực chuyên môn chính như: Kế toán – Kiểm toán, Quản lý Nhân sự, Quản lý Tiếp thị Tài chính, Kinh doanh Quốc tế, Ngân hàng Du lịch, Nhà hàng và Khách sạn, Quản lý Kinh doanh, Trí tuệ Hậu cần và Quản lý Chuỗi cung ứng…
Mặc dù đa dạng lĩnh vực, ngành nghề nhưng nhà tuyển dụng vẫn yêu cầu nhân sự ngành này cần có nền tảng kiến thức sâu rộng, sở hữu các kỹ năng, tư duy và phẩm chất khác nhau. Để theo đuổi ngành này, bạn cần có kinh nghiệm quản lý, kiến thức về marketing, kế toán, cố vấn tài chính,… để thăng tiến dễ dàng trong sự nghiệp.
Theo nhiều thống kê, khi theo học ngành này, phần lớn sinh viên ra trường đều tìm được việc làm trong vòng 6 tháng. Điều này cho thấy nhu cầu tuyển dụng nhân tài ngành này tại các doanh nghiệp là rất lớn và không có dấu hiệu chậm lại.
Bên cạnh đó, ngành kinh doanh quốc tế cũng có mức thu nhập đáng mơ ước của nhiều người. Với mức lương khởi điểm trung bình xấp xỉ 55.000 USD/năm, kinh doanh quốc tế là nhóm ngành có mức lương khởi điểm cao nhất chỉ sau ngành kỹ thuật và khoa học máy tính.
Với các thông tin vừa cung cấp ở trên, chúng tôi tin rằng bạn đã có thể trả lời cho câu hỏi Ngành Kinh doanh quốc tế là gì? cơ hội việc làm ngành này ra sao? Đây sẽ là tiền đề quan trọng để bạn có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp cho tương lai của mình.
Xem thêm: Chuyển việc ngành Sales, có dễ dàng trong bước đầu?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.