Peer Pressure – Thuật ngữ rất phổ biến trong thời gian qua, đặc biệt là đối với những bạn học sinh, sinh viên còn trẻ. Tình trạng này giống như một con dao hai lưỡi, nó có thể thúc đẩy bạn nỗ lực và cố gắng phát triển bản thân hơn, nhưng nó cũng có thể “gặm nhấm” sự tự tin của bạn trẻ và khiến bạn ngày càng sa sút, khủng hoảng tinh thần.
Vậy bạn có đang là “nạn nhân” của Peer Pressure? Hãy cùng VietnamWorks theo chân chị Nguyễn Thị Thùy Dương – Trưởng nhóm Nhân sự tại Giao Hàng Tiết Kiệm để tìm ra triệu chứng của tình trạng này và cách trị dứt điểm nó ngay nhé!
“Dạo một vòng quanh các trang mạng xã hội trong thời gian gần đây, mình thương xuyên bắt gặp các nội dung như là ‘Mình đã kiếm được 100 triệu trong vòng 01 tháng ở độ tuổi 20 như thế nào?’ hay là ‘Trở thành giám đốc ở tuổi 24’, vân vân và mây mây.
Điều này khiến nhiều người cảm thấy áp lực và gặp tình trạng Peer Pressure. Mình tự hỏi rằng liệu những bài viết như vậy có thực sự đang tạo động lực hay lại đang gây áp lực cho mọi người?” – chị Thùy Dương chia sẻ.
Dựa trên định nghĩa của từ điển Cambridge, Peer Pressure là những áp lực mà bạn nhận được từ bạn bè hoặc những ngời xung quanh khi họ đạt được nhiều thành tựu trong công việc và học tập. Những ảnh hưởng này có thể tích cực hoặc tiêu cực tùy thuộc vào góc nhìn của mỗi người khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung thì Peer Pressure hiện nay đang có xu hướn mang lại cảm xúc tiêu cực, mệt mỏi và áp lực nhiều hơn là tích cực cho nhiều người.
“Vì bản thân mình cũng từng là nạn nhân của Peer Pressure nên hơn ai hết, mình hiểu rất rõ hậu quả của tình trạng này. Thời điểm mình còn là một thực tập sinh với mức thu nhập chỉ khoảng 2 triệu VNĐ/ tháng, nhìn thấy bạn bè xung quanh có thể tự mua những món đồ giá trị, mình đã từng tự hỏi tại sao bằng tuổi nhưng họ lại có thể đạt được mức thu nhập như vậy.
Là sinh viên đại học Ngoại thương với GPA loại xuất sắc, mình nhìn lại bản thân ở thời điểm đó chỉ là con số 0 khi bước chân ra thị trường lao động, vì thế mình cảm thấy đầy tự ti và bắt đầu áp lực”.
Chị Dương vui vẻ kể rằng ở thời điểm 21 tuổi, mục tiêu của bản thân của chị đơn giản chỉ là sở hữu được một chiếc Apple Watch. Do đó, chị đã tập trung tìm cách nhanh nhất để có thể tăng thu nhập, nhưng lại bỏ qua sự quan tâm đến chính mình. Chính vì vậy mà ở thời điểm ấy, chị đã gặp khá nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất lẫn sức khỏe tinh thần: “Thậm chí có những ngày nằm trong bệnh viện truyền nước nhưng mình vẫn cố gắng phỏng vấn ứng viên. Bù lại, mình đã mua được chiếc Apple Watch mình yêu thích, thế nhưng mình lại không cảm thấy vui vẻ như bản thân đã từng nghĩ”.
Sau lần đó, chị Dương nhận ra rằng bản thân chị đã cố gắng chạy theo những hình ảnh hào nhoáng của mọi người xung quanh, nhưng lại dần mất đi sự tập trung vào định hướng phát triển bản thân. Do đó, chị Dương cũng bắt đầu nhận ra đây là thời khắc mà chị cần thay đổi.
Peer Pressure là một trong những loại áp lực phổ biến và thường thấy nhất ở hầu hết độ tuổi, nhưng nhiều nhất là ở giới trẻ. Hiểu được nỗi lòng này, chị Dương cũng chia sẻ thêm về những bí quyết giúp chị vượt qua được khoảng thời gian áp lực và đưa bản thân thoát ra khỏi những gò bó về mặt tinh thần đó.
“Mình tin rằng mỗi người đều có thế mạnh riêng. Thay vì chạy theo hình ảnh hào nhoáng của người khác, hãy tập trung vào bản thân nhiều hơn”.
Điều này tưởng chừng như dễ dàng, nhưng thật ra lại rất khó. Do đó chị Thùy Dương cũng gợi ý cho các bạn trẻ có thể bắt đầu việc gạt bỏ áp lực từ những hoạt động đơn giản nhất. Thay vì bạn cứ mải mê đắm chìm trong cuộc sống của người khác, hay đặt nặng các định kiến của xã hội thì hãy dành thời gian cho bản thân mình nhiều hơn.
“Bạn có thể xem phim, nghe nhạc hay đi cà phê vào cuối tuần. Lúc đó bạn sẽ nhận ra rằng việc dành thời gian để nạp năng lượng và yêu thương bản thân là vô cùng quan trọng để bạn đến gần hơn với mục tiêu của mình”.
Một nguyên nhân mà theo chị Dương cũng dễ khiến các bạn trẻ rơi vào tình trạng Peer Pressure và mông lung đó là do chưa xác định được mục tiêu, cũng như chưa lên kế hoạch thực hiện phù hợp. Nhiều bạn thường quên một điều rằng, mỗi người có xuất phát điểm, môi trường và điều kiện sống khác nhau, do đó mục tiêu của người khác chưa chắc đã phù hợp với bản thân bạn. Vì thế, việc xác định đúng đắn cho mình một mục tiêu để bản thân hướng tới cũng là cách thức giúp bạn xua đuổi cảm giác áp lực đồng trang lứa.
“Bạn có thể lên mục tiêu theo ngày, theo tuần, theo tháng để đánh giá sự tiến bộ. Mình rất ấn tượng với một ví dụ mà chị Thái Hà từng chia sẻ về việc giảm cân. Nếu bạn tự nhủ rằng chỉ cần chăm chỉ tập luyện, giảm ăn uống mà không có kế hoạch, mục tiêu cụ thể thì cũng rất khó có thể thành công. Thay vào đó, bạn có thể chia nhỏ mục tiêu, thấu hiểu các nguyên tắc của việc giảm cân, lên một chế độ ăn uống và tập luyện phù hợp với bản thân, bạn sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc đạt mục tiêu của mình”.
“Cuối cùng là bạn hãy thử sống chậm lại. Đây không phải là sự trì hoãn, nhưng nó là việc dành thời gian để học tập, để nhìn nhận và thay đổi”.
Rút ra được hướng đi như thế, trong những năm đầu, chị Dương đã dành sức lực để tập trung tích lũy kinh nghiệm cũng như mở rộng các mối quan hệ. Không chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, chị Dương cũng đã tìm hiểu và tham gia nhiều khóa học, các dự án cộng đồng khác, v.v.
Có thể thấy thay vì chỉ ở yên một chỗ và cảm thấy áp lực, sợ sệt vì sự thành công của người khác, bạn hãy thử áp dụng công thức ba bước trên để vượt ra khỏi áp lực đồng trang lứa đó. Bắt đầu từ việc dành thời gian cho chính mình, lắng nghe bản thân đang muốn gì, cần gì để tiếp tục đặt ra các mục tiêu phù hợp cho mình, sau đó lại không ngừng rèn luyện, trau dồi bản thân để đạt được các mục tiêu đó.
Chị Thùy Dương cũng nhắn nhủ thêm đến các bạn trẻ lời cuối rằng: “Đừng thay đổi vì thấy người khác tốt hơn, mà hãy thay đổi vì bạn muốn mình tốt hơn!”. VietnamWorks cũng hy vọng rằng với những chia sẻ trên đây từ chị Thùy Dương, các bạn trẻ có thể vượt qua nỗi sợ hãi và áp lực để có thêm động lực phát triển, nỗ lực. Đừng thay đổi vì thấy người khác tốt hơn mà hãy thay đổi vì bạn muốn mình tốt hơn!
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.