Đời sinh viên ai cũng ít nhất một lần trải qua câu chuyện đi thực tập và nhận dấu mộc từ doanh nghiệp. Với nhiều bạn, đây là khoảng thời gian thú vị vì được trải nghiệm nhiều thứ, nhưng cũng có nhiều bạn trẻ cảm thấy áp lực, mệt mỏi vì câu chuyện dấu mộc. Vậy dưới góc nhìn của một chuyên gia, chị Carol Võ – Founder & CEO Công ty Cổ phần DiffWheels sẽ có cảm nhận như thế nào về chuyện này? Hãy cùng VietnamWorks hiểu hơn qua bài viết này nhé!

Câu chuyện thực tập nhiều khó khăn…

Chị Carol Võ chia sẻ rằng có lần chị từng nghe các bạn sinh viên năm cuối tìm chỗ thực tập bàn tán về việc nhiều nơi bán cả dấu mộc, từ một triệu đến vài triệu cũng có. Có bạn thậm chí còn từng nói với chị, vì dấu mộc của doanh nghiệp mà “nguyện làm trâu, làm chó”, làm gì cũng chịu. 

“Có nhiều bạn đi làm và kể mình bạn còn không được làm đúng chuyên ngành mình học, toàn được công ty giao cho mấy việc không tên hoặc trái ngành. Cuối cùng viết báo cáo thực tập không biết ghi cái gì vào, mà thầy cô trên trường thì hỏi tới hỏi lui rằng có đi thực tập không, chứ sao lại sơ sài như vậy. Đúng là nỗi khổ của thực tập sinh!

Rồi có bạn lại chia sẻ thêm nhiều khi không tìm được chỗ thực tập, dẫn đến nhiều nơi lợi dụng điểm này mà chèn ép, gây khó dễ với các bạn. Đặc biệt còn có kiểu, đến ngày đóng dấu mộc thì tự nhiên giám đốc đi vắng, đi công tác, chưa ký được, v.v. và rất nhiều câu chuyện khác liên quan đến dấu mộc quyền lực ấy”.

Chị Carol chia sẻ rằng bản thân chị cảm thấy rất thương cảm cho những bạn sinh viên như thế, bởi hành trình học đã rất gian nan, vừa học vừa thực tập cũng có nhiều thách thức khác, và cả con đường sự nghiệp phía trước đang đợi các bạn. 

“Không ít định kiến mà một sinh viên hai mấy tuổi đầu bước ra đời phải đối mặt. Nào là các bạn sống hời hợt, các bạn vô tư, các bạn không có hoài bão, còn trẻ nên thiếu kỹ năng và kinh nghiệm, v.v. Theo quan điểm của mình, mỗi thời đại mỗi khác, các bạn trẻ thời nay kể ra cũng rất thiệt thòi so với thế hệ trước, chính bởi sự phát triển nhanh của công nghệ, các bạn đã mất đi cơ hội sống chậm, trải nghiệm cuộc sống nhiều hơn cũng như rèn luyện nghị lực, sự kiên trì. Nên cũng khó để các bạn trẻ ngày nay có những đặc điểm của thế hệ đi trước

Là một người trưởng thành đã đi làm lâu năm, mình hiểu rằng các bạn ấy cần được định hướng rõ ràng, đồng thời cũng cần sự dìu dắt, có nghiêm khắc nhưng cũng nên cần có bao dung để các bạn được thử, được sai và được sửa sai để hiểu rõ bản thân mình hơn”.

Do đó, chị Carol có một lời khuyên đến các bạn trẻ vẫn còn đang loay hoay trên con đường sự nghiệp của bản thân rằng, các bạn có thể tham gia các chương trình kết nối Mentor, để được những anh chị đi trước tư vấn, giải đáp và định hướng những khúc mắc của bạn. Đồng thời hãy luôn nhớ rằng, chỉ cần bạn cố gắng, mọi nỗ lực sẽ được đền đáp. VietnamWorks mong rằng với câu chuyện ngắn từ chị Carol Võ, các bạn sinh viên có thể tin rằng vẫn còn nhiều doanh nghiệp, người sếp tốt sẵn sàng hỗ trợ các bạn trong quá trình thực tập đó!

Xem thêm: Nỗi lòng Newbie: Sao em làm tốt nhưng không ai khen?

— HR Insider —
VietnamWorks – 
Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam

Nhận bài viết qua email cùng
HR Insider – VietnamWorks.email subscribers