Tại sao nhà tuyển dụng đặt ra câu hỏi này?
Mọi câu hỏi trong quá trình phỏng vấn đều mang một ý nghĩa, mục đích riêng. Những câu hỏi mang tính ứng dụng, liên quan đến xử lý tình huống sẽ được đặt ra nhằm đánh giá khả năng đối ứng linh hoạt hay kỹ năng giải quyết vấn đề của bạn trong công việc.
Nhà tuyển dụng muốn biết được khi rơi vào những trường hợp như thế, bạn sẽ tư duy và chọn ra cách xử lý nào sao cho phù hợp và khôn ngoan nhất mà vẫn giữ được sự tích cực trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Đồng thời, nhà tuyển dụng còn muốn xem xét thái độ làm việc thực tế của bạn, bởi vì nó sẽ ảnh hưởng khá lớn đến quá trình hợp tác và phát triển sau này của bạn và cả công ty. Cách trả lời câu hỏi này cũng thể hiện phần nào về kỹ năng mềm hay kinh nghiệm làm việc thực tế của bạn trước đó.
Những cách trả lời phỏng vấn khôn ngoan nhất
Không phải riêng những bạn trẻ mới bước chân vào thị trường lao động mà những vị tiền bối đã có nhiều kinh nghiệm cũng có thể gặp bối rối khi được hỏi câu hỏi này. Trước khi trả lời câu hỏi, bạn cũng cần đặt ra những thắc mắc cho nhà tuyển dụng về tình huống cụ thể, bởi mọi hoàn cảnh sẽ có một hướng giải quyết riêng:
Thắc mắc về yêu cầu mà sếp giao cho để đánh giá lại về khả năng đáp ứng của bản thân
Trước khi trả lời câu hỏi này bạn cần nắm bắt cụ thể hoàn cảnh xảy ra trong tình huống này trước khi đưa ra câu trả lời bằng cách đặt câu hỏi ngược lại cho nhà tuyển dụng, ví dụ như: “Ở trong tình huống này, yêu cầu mà sếp giao cho em là yêu cầu gì?”. Từ đó, bạn có thể đánh giá được hay mường tượng được lý do tại sao trong lúc đó, bạn không đồng ý với yêu cầu đó của sếp.
Không phải lúc nào mọi yêu cầu từ cấp trên đều phù hợp với khả năng đáp ứng của bản thân. Ví dụ như, trong công việc bạn là một người có năng lực và được sếp tín nhiệm. Vì vậy, sếp đã giao cho bạn rất nhiều nhiệm vụ cùng một lúc hay bộ phận khác đang thiếu nhân lực và sếp giao cho bạn công việc đó. Khi đó, bạn cảm thấy quá tải và không đủ thời gian hay khả năng để hoàn thành tốt nhiệm vụ, thì từ chối là một việc hoàn toàn chính đáng. Lấy một ví dụ khác, sếp giao cho bạn những công việc ngoài lề, riêng tư như đi đón con giùm, mua đồ ăn hay đi mua quà cho bạn gái của sếp trong giờ làm việc,… Những yêu cầu này hoàn toàn không liên quan đến công việc chính thức bạn được giao trong hợp đồng, và bạn có quyền từ chối cũng như phải từ chối sao cho khéo léo nhất.
Vận dụng khả năng nói “không” và kỹ năng từ chối khéo léo
Khi đã phác họa được bức tranh hoàn cảnh bạn gặp phải, việc tiếp theo đó chính là lựa chọn hướng giải quyết, hay hướng từ chối sao cho khôn ngoan nhất.
Hãy thể hiện với nhà tuyển dụng những gì mà bạn có thể vận dụng để ứng xử với sếp trong tình huống đó, bao gồm:
Trình bày với sếp về khả năng của bản thân
Bằng một thái độ chân thành và nhẹ nhàng, khi đặt bản thân trong tình huống đó, bạn sẽ trình bày với sếp về khả năng có hạn của bản thân, bao gồm thời gian và chuyên môn. Bạn không đủ thời gian để ôm nhiều việc cùng một lúc và điều đó có thể ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc của công ty. Bạn không đủ chuyên môn hay năng lực để đảm nhiệm nhiệm vụ khó nhằn sếp giao cho. Hay bạn không nằm trong chuyên môn phải giải quyết những yêu cầu của sếp.
Bày tỏ thái độ tôn trọng, lịch sự và tích cực
Giữ thái độ tích cực, tôn trọng và lịch sự là yếu tố vô cùng cần thiết trong tất cả các mối quan hệ, không chỉ riêng mối quan hệ sếp và nhân viên. Tuyệt đối không nên thể hiện sự khó chịu, bực bội hay thô lỗ, hãy nhã nhặn và lịch sự trong suốt quá trình trao đổi. Luôn giữ một sự tích cực, cởi mở sẽ giúp sếp cảm thông hơn với những gì bạn nói. Và thay vì thẳng thừng nói “Không”, hãy từ chối bằng những ngôn từ mềm mỏng như: “Em/tôi biết là …, nhưng…”, “Thật tuyệt vời nhưng thật tiếc khi …”, “Ý tưởng này thật hay nhưng có vẻ tôi…”, … Điều này sẽ giúp sếp chấp nhận lời từ chối cũng như duy trì mối quan hệ tốt đẹp với bạn chứ không phải giữ định kiến về bạn về sau.
Có sự giải thích rõ ràng
Bạn có quyền từ chối mà không cần giải thích nhiều, nhưng đối với mối quan hệ sếp – nhân viên là mối quan hệ bạn có thể gắn bó lâu dài về sau và có thể bạn và họ còn cần nhiều sự giúp đỡ, nhờ vả lẫn nhau khác trong tương lai, bạn cần có sự giải thích rõ ràng, vừa nhằm hiểu rõ với những khó khăn hay giới hạn của đối phương, vừa cho người yêu cầu một lý do thích đáng và phù hợp nhất cho sự từ chối.
Đó là sự giải thích liên quan đến chuyên môn, thời gian có hạn của bạn. Bên cạnh đó, đừng quên lồng ghép thêm những lời khuyên hay gợi ý khác để giúp sếp giải quyết yêu cầu đó, như giới thiệu một người khác có chuyên môn hơn, thích hợp hơn.
Kỹ năng nói không và từ chối khéo léo là một yếu tố cần thiết trong công việc cũng như cuộc sống. Biết từ chối một cách thông minh vừa giúp bạn tiết kiệm được thời gian và công sức, vừa duy trì được mối quan hệ tốt đẹp với đối phương. Khi bắt gặp câu hỏi trong buổi phỏng vấn về tình huống này, bạn hoàn toàn có thể tự tin trả lời cách giải quyết vấn đề của mình thông qua những gợi ý bổ ích từ bài viết này.
>> Xem thêm: Cách trả lời câu hỏi “Bạn mong đợi điều gì ở vị trí mới” sao cho hay?
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.