Google từng được biết đến trong cộng đồng tuyển dụng với những câu hỏi phỏng vấn khó và lạ lùng, chẳng hạn như câu: “Có thể nhét bao nhiên quả bóng golf vào trong một chiếc xe buýt đưa đón học sinh?”.
Gần đây, công ty này đã từ bỏ việc sử dụng những câu hỏi phỏng vấn hóc búa và thay bằng những phương pháp phỏng vấn truyền thống hơn. Tuy nhiên, những câu chuyện về quá trình tuyển dụng của Google vẫn là đề tài được nhiều người quan tâm. Trong một cuốn sách mới của mình mang tên “How Google Works”, Jonathan Rosenberg – cựu Senior Vice President of Product của Google đã chia sẻ một giai thoại nhỏ về lần đầu tiên ông phỏng vấn tại Google.
Câu chuyện diễn ra vào năm 2000, Google hẹn ông đến Mountain View để phỏng vấn cho vị trí Product Leader. Sergey Brin – nhà đồng sáng lập Google đã hỏi Rosenberg một trong những câu hỏi phỏng vấn yêu thích của mình: “Bạn có thể dạy tôi một điều phức tạp nào đó mà tôi không biết không?”
Thoạt đầu, Rosenberg đưa ra một loạt những giải thích phức tạp về luật kinh tế và cách ông sẽ áp dụng để tìm ra điểm tối ưu nhất cho sản xuất và tạo ra lợi nhuận bằng cách sử dụng các hàm số chi phí và doanh thu. Brin bắt đầu nhìn ra cửa sổ với gương mặt ngán ngẩm và Rosenberg nhận ra ông đã thất bại hoàn toàn. Ông đã bỏ qua điểm mấu chốt trong câu hỏi của Brin: ai là người đang phỏng vấn mình.
Brin là một thiên tài. Đúng là luật kinh tế rất phức tạp, nhưng đó không phải là đề tài có thể gây hứng thú cho Brin, người dường như đã hiểu rất rõ về lĩnh vực đó.
Để có thể khiến một nhà tuyển dụng với bộ óc thiên tài như Brin quan tâm, Rosenberg phải xem xét câu hỏi phỏng vấn bằng lập trường của chính Brin.
Nhận ra được điều này, Rosenberg bắt đầu đổi chủ đề, và bắt đầu nói về…thời gian yêu đương của mình, sử dụng câu chuyện về lần hẹn hò đầu tiên với người vợ hiện tại của mình làm ví dụ cụ thể. Ông đã gửi tặng cho bà một bó hoa hồng và kèm theo một câu đố. Hoa hồng là để gây ấn tượng còn câu đố là để thử trí thông minh.
Ngay lập tức Brin trở nên háo hức muốn biết rõ hơn về câu chuyện và sau đó Rosenberg đã nhận được lời mời làm việc cho Google.
Câu hỏi của Brin có hai khía cạnh: Ông muốn thử khả năng của Rosenberg trong việc giải thích một vấn đề phức tạp, nhưng đồng thời cũng muốn kiểm tra xem liệu Rosenberg có thể nghĩ ra một chủ đề nào đó sáng tạo, đột phá thay vì mang tính học thuật hay không.
Bạn cảm thấy thế nào nếu như chính mình được Brin đặt cho câu hỏi như vậy?
– HR Insider –
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.