Bất kỳ ai đi làm cũng đều mong muốn được tăng lương đúng như kỳ vọng của mình. Tuy nhiên, không ít người khi đã đi làm khoảng 2, 3 năm tại một công ty nhưng mức lương tăng lại thấp hơn mong muốn. Theo một thống kê năm 2014, trung bình một nhân viên kỳ vọng sẽ được tăng 3% lương trong năm. Các cá nhân xuất sắc mong muốn mức tăng 4,5% và những cá nhân làm việc không hiệu quả sẽ mong đợi con số 1,3%. Tuy nhiên, mức tăng lương thực tế chỉ chưa đến 1%. Vì sao lại có sự chênh lệch này?
Vì sao lương tăng chậm?
Việc tăng lương nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau. Thông thường, các công ty sẽ có lộ trình tăng lương 6 tháng tăng 1 lần hoặc 1 năm tăng 1 lần. Có một số trường hợp dù chưa đến mốc để tăng lương vẫn được tăng lương, thu nhập hấp dẫn. Cũng có những người dù đã làm lâu năm nhưng lương tăng chậm, thậm chí có xu hướng chậm dần theo thời gian. Nguyên nhân là do năng lực bản thân. Có thể bạn cảm thấy mình đã cố gắng, đã nỗ lực nhưng các ông chủ chỉ nhìn nhận dựa trên kết quả, trên các con số. Bạn đã mang về doanh thu bao nhiêu, ký được bao nhiêu hợp đồng? Kể cả khi bạn rất mẫn cáng, chăm chỉ nhưng hiệu suất làm việc không cao thì cũng không thể thuyết phục cấp trên chấp thuận mức tăng lương mà bạn đề xuất.
Bên cạnh đó, tình hình kinh doanh của công ty cũng tác động rất lớn đến lộ trình tăng lương của nhân viên. Một điều dễ thấy, công ty làm ăn phát đạt, doanh thu cao sẽ có chính sách lương thưởng hấp dẫn. Còn nếu công ty đang gặp khó khăn trong kinh doanh, ngân sách phải đổ dồn vào các kế hoạch kinh doanh, mở rộng thị trường thì sẽ không thể tăng lương nhiều cho nhân viên.
Làm gì khi lương tăng chậm?
Đa phần mọi người đều sẽ cảm thấy thất vọng, chán nản khi lương không tăng như kỳ vọng. Tuy nhiên, điều quan trọng là, bạn nên làm gì sau đó?
Xu thế chung của các bạn trẻ hiện nay đó là nhảy việc để có mức lương cao hơn. Các thống kê đã chỉ ra rằng, tỷ lệ tăng lương trung bình mà một nhân viên nhận được khi nhảy việc nằm trong khoảng 10% đến 20%. Tuy nhiên, bạn không nên chỉ nhìn vào con số này mà quyết định nhảy việc. Bởi ông chủ nào cũng vậy, họ chỉ trả lương cao cho những nhân viên giỏi. Nếu bạn hoàn toàn tự tin vào năng lực của mình và đã gặt hái nhiều thành tích trong công việc hiện tại nhưng công ty lại không đủ ngân sách để trả cho bạn mức lương cao hơn hoặc các sếp không công nhận điều đó, bạn có thể chuyển đổi công việc. Trước khi đưa ra quyết định chính thức, hãy cân nhắc khả năng của mình đến đâu và phải chăng, kỳ vọng của mình đã quá lớn so với kinh nghiệm, kỹ năng đang có?
Đương nhiên, nhảy việc không phải cách duy nhất để tăng lương. Bạn cảm thấy môi trường làm việc hiện tại phù hợp, đồng nghiệp tốt, có cơ hội thăng tiến nhưng tạm thời, chỉ có “khuyết điểm” là mức tăng lương chưa mong muốn? Vậy thì, đừng vội vàng nhảy việc, đừng từ bỏ những cơ hội dang dở để làm lại từ đầu. Thay vào đó, bạn nên thay đổi bản thân bằng cách trau dồi kinh nghiệm, học thêm các kỹ năng, chủ động nhận làm thêm việc và tích cực tạo ra các giá trị cho công ty. Đây chính là những “bằng chứng” đầy sức thuyết phục để các cấp trên sẽ đồng ý tăng lương cho bạn đúng như kỳ vọng và hơn hết, bạn cũng sẽ hoàn thiện mình hơn.
Suy cho cùng, thay đổi công việc hay thay đổi bản thân để đạt được mức tăng lương như mong muốn phụ thuộc vào năng lực cũng như các kế hoạch dài hạn của bạn. Có những quyết định sẽ giúp cuộc đời bạn “nở hoa” nhưng cũng có thể đẩy bạn vào “bế tắc”. Vậy nên, bạn cần cân nhắc thật kỹ các được – mất, cơ hội – thách thức trước khi đưa ra quyết định cuối cùng.
— HR Insider —
VietnamWorks – Website tuyển dụng trực tuyến số 1 Việt Nam
Bài viết dành riêng cho thành viên của HR Insider.